Andy Robertson : Từ thằng nhóc bị thải loại tới hậu vệ trái số 1 thế giới

Từng bị thải loại khi còn trẻ nhưng giờ Andy Robertson đã là đội trưởng tuyển quốc gia Scotland, một cầu thủ không thể thay thế trong đội hình của Liverpool cũng như là hậu vệ trái hay nhất châu Âu – chính xác hơn là số 1 thế giới thời điểm hiện tại. Con đường anh đi không hề trải hoa hồng mà đó là thành quả của sự khổ luyện và nỗ lực không ngừng.

ĐẾN CẢ HLV JOSE MOURINHO CŨNG PHẢI THÁN PHỤC

“Tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi khi nhìn Robertson. Anh ta chạy nước rút 100m mỗi phút, hoàn toàn không thể tin được”, HLV Jose Mourinho đã hết lời ca ngợi Andy Robertson sau khi Man Utd của ông nhận thất bại 1-3 trước Liverpool. Người đặc biệt đơn giản là không thể tin được màn trình diễn đẳng cấp của hậu vệ trái người Scotland. Không chỉ có ông mà những người theo dõi cầu thủ này, bao gồm nhiều kẻ từng chỉ trích và nghi ngờ anh đều phải “câm nín”.

Bây giờ, sẽ chẳng có mấy người phản đối nếu nói Robertson là hậu vệ trái hay nhất châu Âu – chính xác hơn là số 1 thế giới thời điểm hiện tại. Thế nhưng con đường của anh không hề trải hoa hồng. Đó là thành quả của sự khổ luyện và nỗ lực không ngừng. Giống như câu chuyện Liverpool miệt mài tìm kiếm chức vô địch Premier League, Robertson cũng sống với khát khao vươn lên đẳng cấp cao nhất.

“Tôi cần phải thú nhận rằng không có nhiều điều làm tôi bực mình nhưng nếu có thì đó là quan điểm cho rằng những gì tôi đã trải qua là một câu chuyện cổ tích bóng đá. Tôi biết khi mọi người nói tôi là một người như kiểu ‘Lọ Lem’ thì đó có thể là một lời khen. Tôi đánh giá cao điều ấy nhưng thành thật mà nói, tôi không cảm thấy như vậy vì nó không đúng.

Không có cây đũa thần nào được vẩy vào tôi. Tôi cũng không thắng xổ số hay may mắn giành được vị trí ở một trong những CLB lớn nhất thế giới. Lý do tại sao tôi là một cầu thủ Liverpool cũng chính là lý do tại sao tôi là đội trưởng tuyển quốc gia Scotland. Tôi đã làm việc hết mình để đến được đây và bằng cách đó, tôi đã có thể tận dụng tối đa khả năng của bản thân.

Vì sao tôi phải nói đến vấn đề này? Trên thực tế, nó không quá quan trọng đối với cá nhân tôi và có lẽ cũng không thành vấn đề với gia đình tôi. Nó chỉ quan trọng bởi vì chỉ có Chúa mới biết có bao nhiêu Andy Robertson ngoài kia. Có những đứa trẻ đang đấu tranh để thuyết phục mọi người rằng tài năng của chúng xứng đáng được trao cơ hội. Có những đứa trẻ chỉ cần một bước đột phá đế có được thứ xứng đáng với mình. Và cũng có những đứa trẻ có thể bỏ cuộc nếu bắt đầu tin rằng chỉ có một câu chuyện cổ tích mới có thể cứu chúng”, Robertson tự thuật trên The Players’ Tribune.

BỊ THẢI LOẠI VÌ QUÁ NHỎ BÉ

“Công bằng mà nói, thực sự họ chẳng đủ giỏi … Nhưng có một người có tiềm năng để trở thành siêu, siêu, siêu cầu thủ – và đó là Robertson”. Đây là đánh giá của Hatem Ben Arfa về đội hình Hull City mùa giải 2014/15. Dù cho chính ngôi sao người Pháp này thất bại trong việc chứng tỏ khả năng ở sân KCOM thì cũng không thể phủ nhận sự sắc sảo trong việc nhìn người của anh, tầm nhìn về sự phát triển của Andy Robertson.

Việc người như Ben Arfa, một cầu thủ với tài năng thiên bẩm, từng gắn bó với Lyon, Marseille, Newcastle, Nice, PSG, Rennes và bây giờ là Real Valladolid thừa nhận tiềm năng của chàng trai người Scotland này thật sự thú vị. Không giống như Ben Arfa, người trưởng thành từ học viện Clairefontaine danh tiếng và sớm trở thành ngôi sao, Robertson phải trải qua quãng thời gian khởi nghiệp đầy khó khăn.

Robertson bị câu lạc bộ thời niên thiếu, gã khổng lồ của bóng đá Scotland – Celtic thải loại ở tuổi 15 vì lý do thể hình quá nhỏ để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng việc rời Parkhead lại càng thúc đẩy Robertson và anh lặng lẽ trui rèn trong bóng tối với Queen’s Park rồi sau đó là Dundee United, trước khi chuyển sang Hull với giá 2,85 triệu bảng vào tháng 7/2014.

TỪ LARGS TỚI LIVERPOOL

“Phản ứng của Andy như là một thông điệp cậu ấy muốn nhắn nhủ rằng, ‘Tôi sẽ chứng minh họ đã sai’. Andy được ra sân trong trận đấu đầu tiên ở Largs và từ thời điểm đó, tôi đã nghĩ cậu ấy sẽ không bao giờ vắng mặt trong đội hình xuất phát cho đến lúc chia tay nơi này. Những màn trình diễn của Andy chứng minh một điều rằng chúng tôi không thể loại Andy khỏi đội hình mặc dù cậu ấy còn rất trẻ. Bạn có thể thấy thái độ, sự quyết tâm và khả năng của Andy. Cậu ấy luôn là sự lựa chọn đầu tiên của tôi trong đội hình xuất phát suốt cả mùa giải 2012/13”, cựu huấn luyện viên Queen’s Park, Gardner Speirs kể lại trong một cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph.

Sự quyết tâm ấy đã giúp Robertson thăng tiến không ngừng. Chàng trai bị Celtic từ chối ngày nào đến Anh và chơi bóng tại Premier League vào năm 2014. Ở đó, huấn luyện viên Jurgen Klopp đã xác định anh là tương lai của Liverpool, là giải pháp thay thế cho Ben Chilwell, người đã từ chối đề nghị của The Kop để kí hợp đồng mới với Leicester vào năm 2016.

Cuối cùng, Robertson cũng gia nhập Liverpool với giá 8 triệu bảng vào năm 2017. Anh từng tỏ ra khá dè dặt với bước nhảy vọt trong sự nghiệp. Tuy nhiên, bằng tinh thần chiến đấu cũng như sự khao khát chưa bao giờ nguôi, chàng trai trẻ đến từ Glasgow đã chiếm trọn niềm tin nơi Jurgen Klopp và được mặc định một suất đá chính ở vị trí hậu vệ trái trong đội hình Liverpool. Giờ đây, anh đã là một trong những cầu thủ quan trọng nhất của chiến lược gia người Đức.

“Bằng cách tiếp tục cho thấy thái độ và sự quyết tâm này, cậu ấy sẽ đạt được những gì mình mơ ước ở đẳng cấp cao nhất. Robbo và những cầu thủ khác ở vị trí này [dự bị] cho đến bây giờ cũng quan trọng với đội bóng như bất cứ ai khác trong phòng thay đồ. Không có họ, không có tham vọng và khát khao để cạnh tranh và cống hiến, chúng ta sẽ không đạt được gì cả. Với việc họ hiểu rõ được tầm quan trọng và giá trị của mình, chúng tôi sẽ rất mạnh”, Klopp từng nói về Robertson sau khi chỉ sử dụng anh 4 lần trong đội hình xuất phát trên 24 trận đấu tối đa sau 5 tháng đầu tiên ở Anfield.

NHỮNG DẤU ẤN ĐẦU TIÊN

Đến đầu tháng 12/2017, Robertson bắt đầu để lại dấu ấn và thuyết phục Klopp. Quá trình thích nghi này tuy chậm nhưng đã giúp anh đáp ứng được nhu cầu của chiến lược gia người Đức trong hệ thống có cường độ vận hành ở mức rất cao, cũng như hòa nhập được với những cầu thủ ở đẳng cấp cao nhất. Các cầu thủ mà Robertson được giao nhiệm vụ hỗ trợ là Philippe Coutinho và sau đó Sadio Mane, người đảm nhận nhiệm vụ ở cánh trái khi ngôi sao người Brazil chuyển đến Barcelona.

Ban đầu, Coutinho tỏ ra không mấy hài lòng với việc phối hợp và thực hiện những pha chồng biên cùng Robertson. Nhưng sau đó mọi thứ đã thay đổi với một màn trình diễn nổi bật từ của hậu vệ trái người Scotland trong chiến thắng 4-0 ngay trên sân của Bournemouth vào tháng 12/2017. Đó là một trận đấu mà cặp đôi này đã chơi hết sức nổi bật khi hủy diệt hệ thống phòng ngự của đội chủ nhà mà ấn tượng nhất là tình huống dẫn đến bàn mở tỉ số của Coutinho.

Tuy nhiên, sự hợp tác của bộ đôi này chỉ kéo dài được vỏn vẹn 3 trận. Coutinho dứt áo đến Nou Camp và thỏa thuận đón Naby Keita sớm hơn không được thực hiện khiến vai trò của Sadio Mane trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cầu thủ người Senegal vốn được biết đến với sự sáng tạo và khả năng bám biên, rê dắt bóng từ cánh trái hơn là đảm nhận vai trò của một cầu thủ với thiên hướng dẫn dắt lối chơi như Coutinho.

Mane đã có thấy khả năng và tầm ảnh hưởng của mình. Dẫu vậy, chìa khóa cho điều này chính là niềm tin trọn vẹn của Klopp dành cho cầu thủ khi ấy 24 tuổi, Robertson. Trong hệ thống tấn công của Liverpool, cặp hậu vệ cánh rất quan trọng khi Robertson và Trent Alexander-Arnold thường xuyên chạm bóng nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác trong đội.

Trong 4 trận đấu đầu tiên chơi trọn vẹn 90 phút ở Liverpool, Robertson đã tạo ra tới 10 cơ hội. Chỉ có 2 cầu thủ, David Silva và Mohamed Salah (cùng 13) làm tốt hơn Robertson ở thông số này tại Premier League. Số 26 của Liverpool tạo ra số cơ hội nguy hiểm nhiều ngang với Eden Hazard và Sergio Aguero, 2 ngôi sao lớn bậc nhất giải đấu, điều càng chứng minh sự tiến bộ của Robertson dẫu cho xuất phát điểm có khiêm tốn.

HẬU VỆ TRÁI SỐ 1 THẾ GIỚI

Ngoài những cú nước rút thần tốc, những quả tạt chuẩn xác và những đường chuyền một chạm, Robertson còn mang đến cho Liverpool sự an tâm tối đa trong khâu phòng ngự ở hàng lang trái với sự hỗ trợ của Virgil van Dijk. Robertson đã nỗ lực cải thiện khả năng phòng ngự kể từ khi gia nhập Liverpool và bản thân Klopp đã giải thích rằng những thiếu sót trước đây của anh trong khâu phòng ngự là lý do “tại sao không có 500 CLB ngoài kia hỏi về Andy”. Việc Klopp biết cách thúc đẩy học trò đã biến Robertson trở thành một thứ vũ khí bí mật của Liverpool từ trong bóng tối. Hệ thống của The Kop phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các cầu thủ, vì vậy khi họ giành được bóng, Robertson cũng quan trọng như Mane, Salah hay Roberto Firmino khi dâng lên tấn công.

Vừa bước sang tuổi 26 hôm 11/3 vừa qua, Robertson còn rất trẻ nhưng đã chứng minh anh không chỉ là hiện tại và tương lai của Liverpool trên sân bóng mà còn có thể đại diện cho giá trị của CLB. Ít ai biết Robertson có một nghĩa cử hết sức cao đẹp, đó là thường xuyên đóng góp cho các ngân hàng thực phẩm. Ở sinh nhật lần thứ 21 của mình, anh đã yêu cầu bạn bè cũng như người thân quyên góp cho cho các ngân hàng thực phẩm số tiền mà họ muốn dùng để mua quà cho mình. “Nếu ai đó muốn mua cho tôi một chai vodka thì thay vào đó tôi muốn họ quyên góp 20 bảng”, Robertson chia sẻ với The Guardian.

Dù có sự thăng tiến vượt bậc và ngày càng nổi tiếng nhưng Robertson vẫn giữ được cho mình sự khiêm nhường. Một ví dụ rõ rệt nhất là khi anh tặng cho Alfie Radford, một cậu bé cũng quyên góp cho ngân hàng thực phẩm chiếc áo đấu Liverpool có chữ kí. Hậu vệ trái người Scotland muốn Alfie nhận được chiếc áo của một cầu thủ Liverpool xuất sắc hơn và do vậy, anh tặng cậu chiếc áo của Roberto Firmino thay vì của chính bản thân mình.

Robertson giờ đã là thủ quân của đội tuyển Scotland và cũng được ông thầy Klopp đánh giá là một “nhà lãnh đạo trong tương lai”. Andy là biểu tượng cho một Liverpool đang trên đường vươn lên đỉnh thế giới và không có gì ngạc nhiên khi Tony Barrett, đại diện cho hội cổ động viên của câu lạc bộ đã mô tả anh là hậu vệ trái tốt nhất mà The Kop có từ sau Steve Nicol.

Cũng giống như Robertson, Nicol rất toàn diện trong cả phòng ngự cũng như tấn công và sự ổn định giúp anh trở thành trụ cột của CLB trong suốt thời kỳ thành công nhất những năm 1980. Lúc này, không hề sớm khi nói rằng Andy đã đạt được vị thế của người đàn anh đồng hương, thậm chí còn vươn lên cao hơn 1 bậc. Đúng như nhận định của Ben Arfa ngày nào, Andy là một cầu thủ “siêu giỏi”. Anh không “giỏi từ trong trứng”. Đó là kết quả của sự khổ luyện.

Bài viết cùng chuyên mục