Didier Drogba: Cho màu xanh còn mãi

Sân Stade Vélodrome, một ngày chớm đông 2003, kết thúc trận đấu với Olympique Marseille, Jose Mourinho đứng đợi trong đường hầm. Không, ông không chờ một ai của FC Porto cả. Tất cả đều đã vào phòng thay đồ. Ông chờ một người khác, kẻ đã làm hàng phòng ngự của ông phải khổ sở suốt 90 phút. Và rồi bóng dáng ấy cũng xuất hiện, một tiền đạo Châu Phi điển hình: Didier Drogba. 

Với một cử chỉ lịch thiệp, Mourinho chìa bàn tay ra với đối thủ của mình và nói:” Này chàng trai, cậu thi đấu rất tuyệt. Tôi không có đủ tiền để mua cậu, nhưng liệu cậu có anh em nào thất lạc ở Bờ Biển Ngà không? ” Drogba không từ chối sự thân mật đó, bắt tay ông và nói: “Ngài yên tâm, Porto không đủ tiềm năng, nhưng khi ngài đến một CLB mà ở đó họ có thể mua tôi, tôi sẽ đến với ngài.”

Tháng 5 năm 2004, Porto viết nên một câu chuyện cổ tích khi lần đầu đăng quang Champions League. Ngay sau đó, Jose Mourinho được Abramovich đưa về thay gã thợ hàn Claudio Ranieri. Một loạt những cái tên cập bến Chelsea. Từ những người danh tiếng lẫy lừng như Claude Makelele, Hernan Crespo cho đến những gã vô danh như Petr Cech hay Jalosik. Giống như mọi nhà vô địch khác, Mourinho dẫn theo hai học trò cưng sang miền đất mới là Ricardo Carvalho và Paolo Perreira, cùng một một người từ Bồ Đào Nha khác là Tiago Mendes.

Ngoài ra, ông yêu cầu thêm một người khác, Didier Drogba. Lúc đó, hàng tiền đạo của Chelsea đã có Crespo, Eidur Gudjohnsen, Adrian Mutu và cả Mateja Kezman. Quá nhiều tiền đạo để đá 4-3-2-1 hay thậm chí là 4-4-2. Nhưng Mourinho vẫn cương quyết phải có Drogba, dù lúc đó giá trị của anh phá vỡ kỉ lục chuyển nhượng của CLB. Một cầu thủ vô danh. Một cái giá trên trời. Marseille kiếm được một món, trong khi với The Blues, họ không biết đó là khởi đầu của một chuyện tình lãng mạn…

Didier Drogba, một sát thủ có tiếng tại Ligue I sang Chelsea, được đánh giá cao ở khả năng không chiến và tì đè, nhưng…chân gỗ, chỉ thích hợp cho việc làm tường. Đó là lí do tại sao, thời kì đầu Drogba luôn phải chia sẻ vị trí với Herman Crespo, một sát thủ đích thực, và cả Eidur Gudjohnsen nữa. Dù Chelsea vô địch ngoại hạng sau 50 năm chờ đợi với hàng loạt kỉ lục, Drogba vẫn bị đánh giá chỉ là tiền đạo dạng khá, vỏn vẹn có được 16 bàn trong 40 trận, thậm chí bị đuổi ở trận gặp Barcelona. Điểm sáng duy nhất là tại Champions League, Drogba nổ súng khá đều, với 5 bàn, cùng với bàn thắng đánh bại Liverpool ở League Cup.

Năm sau, ngỡ như sẽ tốt đẹp hơn, nhưng Drogba thậm chí còn thụt lùi cùng thành tích của Chelsea. Anh vẫn ghi được 16 bàn, nhưng chỉ có 1 bàn tại Champions League, quá tệ. Như để giải đen với số áo 15, sau khi Damien Duff sang Newcastle, Drogba đã lấy số áo 11 kể từ đó. Chỉ ngay mùa sau thôi, Voi rừng có 33 bàn, hơn cả 2 mùa trước đó cộng lại, còn Chelsea có cú đúp FA và Carling Cup dù vuột mất Premier League. Và cũng năm ấy, Mourinho giữ đúng lời hứa, biến một lứa những cầu thủ tiềm năng của Chelsea như John Terry, Frank Lampard, Petr Cech và cả Didier Drogba trở thành những người xuất sắc nhất. John, làm người ta quên đi rằng Chelsea đã cho đi Marcel Desailly như thế nào, Frankie làm cho cả nước anh thấy vui mừng khi Paul Scholes có truyền nhân, nhưng cũng bối rối không biết phải xếp anh đá cùng một số 8 huyền thoại khác là Steven Gerrard ra sao, còn Petr Cech cho thấy Cudicini lên băng ghế dự bị là hoàn toàn xứng đáng.

Và Drogba, anh được cả thế giới công nhận. Những bàn thắng trong các trận cầu đinh, những đóng góp to lớn trong mỗi trận chung kết, tất cả đều được công nhận và biến anh thành cầu thủ của những trận đấu lớn. Năm 2007, anh được vinh danh là cầu thủ Châu Phi xuất sắc nhất, xếp trên Eto’o hay anh em nhà Toure, trong khi trước đó, anh được trao băng thủ quân của Bờ Biển Ngà khi 28 tuổi.

Nhưng mùa thứ 4, mọi thứ khởi đầu thật tồi tệ. Người mà anh gọi là Cha, người đem đến động lực cho anh, Jose Mourinho rời khỏi Chelsea. Thẫn thờ, anh gục khóc. Cảm giác thật khó diễn tả thành lời. Anh chỉ còn muốn rời đi. Inter vẫy gọi, AC Milan cũng vẫy gọi. Nhưng rồi tình yêu và trách nhiệm với màu áo xanh đã giữ chân anh ở lại. Năm đó, Chelsea tiến đến được Moscow để gặp MU trong trận chung kết C1 đầu tiên, nhưng rồi anh lại một lần nữa bị thẻ đỏ, rời sân khi chỉ còn 3 phút nữa là bắt đầu loạt đá luân lưu. Chelsea gục ngã trong đêm mưa buồn đó, kèm theo những thất bại về nhì ở cả Premier League lẫn FA cup, biến Chelsea thành một Leverkusen thứ nhì.

Năm 2009 Chelsea lại một lần nữa thay tướng giữa dòng, và The Blues một lần nữa lại trở nên mạnh mẽ đến lạ kì. Guus Hiddink biến đội quân này thành những chiến binh mà Drogba làm đầu tàu, lao thẳng lên cuốn phăng mọi đối thủ. Nhưng Champions League vẫn lẩn tránh anh. Trọng tài Ovrebo mang đến một trận đấu có mùi nhất trong lịch sử Champion League, Chelsea dừng bước đầy oan ức ở bán kết với Barcelona, còn Drogba bị phạt vì chửi rủa UEFA và nhận án treo 2 trận. Buồn khổ, đau đớn, nhưng Drogba vẫn quyết định ở lại sau khi được Carlo Ancelotti thuyết phục.

Anh là mũi nhọn của cây đinh ba mới, một mũi nhọn của hàng công có sức công phá khủng khiếp nhất lịch sử Premier League lẫn Chelsea. Năm đó, anh ghi 37 bàn, nhiều nhất sự nghiệp của mình. Chelsea dưới sự dẫn dắt của hàng công mà anh là đầu tàu tiến lên như vũ bão, nuốt trọn cú đúp quốc nội. Tất cả chỉ còn chờ một điều cuối : Champion League. Trớ trêu thay, người tước bỏ đi giấc mơ đó của anh lại là người cha xưa cũ: Jose Mourinho. Đối đầu với Inter lúc đó, Drogba thấy thật giằng xé. Một bên là người anh gọi là cha. Một bên là anh em, là nơi anh gọi là nhà. Và rồi Chelsea bị loại. Rốt cuộc, người cha đó biết cách làm cho con mình phải im tiếng. Nhưng không một tiếng kêu than, chỉ có những cái ôm thật chặt của những người trong gia đình.

Drogba vẫn đứng đó thẫn thờ. Chỉ còn năm cuối nữa thôi, và lại một lần nữa giấc mơ dang dở bị đe doạ. Chelsea thua trận lượt đi trước Napoli đến 3-1, và CLB cũng vừa thay Andre Villas Boas bằng Roberto Di Matteo. Nhưng có vẻ như, số phận đã hết trêu ngươi người được coi là vua của những trận cầu lớn. Ở trận lượt về, Drogba góp công không nhỏ khi trực tiếp lập công mở tỷ số và kiến tạo cho Ivanovic ghi bàn thắng quyết định loại Napoli khi trận đấu bước vào hiệp phụ. Cả Stamford Brigde như nổ tung. Điều thần kì sẽ đến, ai cũng tin vậy, kể cả khi ngay sau đó Chelsea gặp lại Barcelona, oan gia nhất nhì cùng với Liverpool.

Trận bán kết lượt đi, với số lần dứt điểm và sút bóng đến trên đầu ngón tay, Drogba vẫn ghi bàn để Chelsea giành chiến thắng tối thiểu. Trận lượt về ở Nou Camp còn khó khăn gấp bội.Terry bị đuổi sớm, Busquets và Iniesta lần lượt lập công cho Barca, Ramires đưa Chelsea từ cõi chết trở về với pha lốp bóng đẳng cấp. Rồi khi Fabregas bị chính Drogba phạm lỗi trong vòng cấm địa, mọi thứ tưởng như đã chấm hết với Voi rừng. Nhưng cũng chính vào thời điểm đó, số phận như muốn bù đắp cho anh và cho Chelsea sau cái chết oan nghiệt năm 2009. Messi sút trúng xà ngang như một định mệnh được sắp sẵn, để rồi khi Torres vào sân ghi bàn ấn định tỉ số hoà 2-2, Drogba hiểu cơ hội cuối cùng đã đến.

Gặp Bayern Munich, Voi rừng khẳng định một lần nữa mình là ông vua của những trận cầu lớn với bàn thắng thứ 10 trong 10 trận chung kết khác nhau. Bàn thắng này còn quan trọng hơn hết thảy, khi nó gỡ hoà vào những phút cuối của trận đấu, kéo Bayern và Chelsea vào hiệp phụ. Và số phận lại trêu đùa Drogba một lần nữa, khi anh phạm lỗi giúp Robben có cơ hội đối mặt với Cech. Nhưng rồi Cech đẩy được. Tóm gọn là khác. Drogba hiểu vận may chưa quay lưng, anh lại chiến đấu, lại chạy, lại hết mình. Và loạt đấu súng cân não đến.

Chelsea chưa bao giờ mạnh khoản này và Juan Mata giúp độ khó tăng thêm khi đá trượt ngay lượt đầu. Tất cả sẽ chỉ là công cốc nếu Cech không cản được ai. Lahm, Gomez, rồi cả Neuer đều đá vào. Chỉ tói khi Ivica Olic bước lên chấm phạt đền, số phận mới thật sự không còn đùa cợt với Drogba nữa. Cech đưa loạt đấu súng về thế cân bằng sau một pha đổ người đúng hướng, và anh cũng chỉ cần một cú chạm ngón tay trong lượt sút thứ 5 để hóa giải cú dứt điểm của Schweinsteiger. Drogba bước lên, loạt cuối rồi. Anh sẽ kết thúc tất cả, kết thúc những chuỗi ngày gian nan trong suốt từng ấy năm.

Một pha kết thúc nhẹ nhàng, đúng như những gì sự nghiệp của anh diễn ra. Một sự khởi đầu mạnh mẽ như pha đánh đầu gỡ hoà, sai lầm, rất nhiều sai lầm như khi anh phạm lỗi để bị phạt penalty, và nhẹ nhàng, như cách anh ghi bàn cuối, để thấy được anh đã cố gắng để trui rèn kĩ thuật bao nhiêu. Chelsea có chiếc cúp Champions League đầu tiên trong lịch sử, và Drogba không còn nợ gì ai. Anh ra đi trong sự tiếc nuối, để đến một phương trời xa, xa mãi.

Vậy nhưng, ngày về ngỡ rất lâu, cuối cùng lại thật nhanh chóng. Lưu lạc Trung Quốc phù hoa, anh trở lại với lục địa già trong màu áo Galatasaray, và ngạc nhiên thay, anh được về nhà. Được về với London, về với Stamford Brigde, về với người cha già Mourinho. Gia đình vẫn ở đó, vẫn còn đó những người anh em. Anh đã khóc, khóc rất nhiều. Để rồi ngay mùa sau, anh lại trở về theo tiếng gọi của người cha đó, và lại giúp Chelsea có chiếc cúp Ngoại hạng thứ 5, trước khi lại một lần nữa rời đi. Nhưng lần này là mãi mãi…

Có thể sau này, sớm hoặc muộn, anh cũng sẽ là một HLV, có thể là ngay tại Chelsea thôi, nhưng ai biết được. Những kí ức đẹp mà anh tạo ra, biến anh trở thành một vị vua trong lòng màu xanh London. Và khi nhà vua trở lại, mọi sự sẽ thật tuyệt vời.

>> Xem thêm: Keohay – Kèo nhà cái bóng đá trực tuyến hôm nay

Bài viết cùng chuyên mục