Xin đừng lãng quên một người tên Yaya Toure!

Hai cầu thủ đã nâng tầm Manchester City trở thành một nhà vô địch thực thụ, nhưng dường như họ được ghi nhớ đến theo những cách hoàn toàn khác nhau. 

“Ký hợp đồng với Silva trước, rồi tôi sẽ đến.” Chuyện kể rằng, vào năm 2010, giám đốc điều hành Garry Cook của Manchester City đã cố gắng hoàn tất hai trong số những thương vụ lớn nhất trong lịch sử câu lạc bộ. Nhưng có một vấn đề đã xuất hiện. Yaya Touré đang trên đà gia nhập đội chủ sân Etihad, nhưng anh muốn chắc chắn rằng City đã ký hợp đồng với Silva trước. Vậy, ngôi sao của Valencia đã phản ứng như thế nào? “Ký hợp đồng với Yaya trước, rồi tôi sẽ đến.”

Hai người họ đều đã đến với nửa xanh thành Manchester và phần còn lại là lịch sử. Khi Silva rời khỏi Etihad Stadium sau trận đấu cuối cùng của mình tại bóng đá Anh, những khán đài trống vắng hầu như không làm giảm đi sự ấm áp mà anh nhận được: Không chỉ là tình cảm của các đồng đội, các huấn luyện viên, mà còn là nhiều tuần, nhiều tháng tràn ngập sự tôn vinh và tán tụng trên một sân khấu có tầm cỡ và ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều.

Thiên tài, ma thuật, khiêm tốn, tinh tế ¬– những mĩ từ ấy đã xuất hiện trong mọi sự kiện, mọi cuộc bàn luận, và mọi phát ngôn mang mục đích tôn vinh tiền vệ tài hoa của đội chủ sân Etihad. “Cầu thủ đạt đẳng cấp thế giới đầu tiên của City mà tôi được chứng kiến trong đời,” Gary Neville khẳng định trên Sky Sports. “Cầu thủ kiệt xuất nhất từ trước đến nay của City,” là lời nhận xét của Jamie Carragher.

Không chỉ vậy, chúng ta còn được nghe thấy những tuyên bố thậm chí còn hoành tráng hơn nữa: Xếp anh “ngồi chung mâm” cùng Thierry Henry, Cristiano Ronaldo và Eric Cantona với tư cách là một trong những  cầu thủ nước ngoài vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá Anh. Hoặc đứng ngang hàng với Frank Lampard, Ryan Giggs và Steven Gerrard trong một cuộc thảo luận về các tiền vệ tuyệt vời nhất từng xuất hiện tại Premier League.

Quan điểm của bài viết này sẽ không phải là phủ nhận tài năng kiệt xuất và vị thế của Silva – đó sẽ là một hành động hết sức ngu ngốc – mà là để chỉ ra sự thiếu vắng đầy kỳ lạ của một gương mặt trong những cuộc thảo luận đã đề cập ở trên. Cầu thủ vĩ đại nhất của Man City, một trong những tiền vệ vĩ đại nhất Premier League, bản hợp đồng nước ngoài xuất sắc nhất: Cái tên Yaya Touré nằm ở đâu trong tất cả những chủ đề đó? Tính đến tuần trước, anh đang tham gia luyện tập ở Leyton Orient. Vẫn tiếp tục chơi bóng ở tuổi 37, và bị mắc kẹt ở London trong giai đoạn lockdown, Touré đã liên hệ với câu lạc bộ League Two này với mục đích đảm bảo một nền tảng thể lực phù hợp trong khi lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo của mình.

Tại Man City, họ chẳng cần ai phải thuyết phục mình về tầm ảnh hưởng của ngôi sao người Bờ Biển Ngà cả. Họ có một sân bóng mang tên anh ở trung tâm tập luyện của câu lạc bộ, một bức tranh tường lưu lại những chiến tích mà anh đã lập nên. Mặc dù vậy, đôi khi bạn sẽ phải tự hỏi rằng chính xác thì người ta đang ghi nhớ những gì về Touré. Thông thường, các fan hâm mộ của Man City sẽ mô tả Touré như một chiến binh đáng ngưỡng mộ, một sự hòa hợp tuyệt vời giữa khả năng kỹ thuật và tinh thần tranh đấu. Joleon Lescott đã nêu ra một sự khác biệt tương tự khi mô tả Silva là “ngôi sao bóng đá tuyệt vời nhất” trong kỷ nguyên hiện đại của Man City, còn Touré chỉ đơn thuần là “cầu thủ kiệt xuất nhất.”

Khi được yêu cầu chọn ra đội hình xuất sắc nhất mọi thời đại của Man City, Micah Richards đã đặt Toure ở vị trí tiền vệ trụ, và giải thích rằng: “Anh ấy có thể đóng vai trò là người khởi đầu cho một đợt triển khai tấn công, sau đó chỉ cần đưa quả bóng cho Kevin De Bruyne và Silva để họ tiếp tục làm những việc còn lại.” Chuyện gì đang xảy ra vậy? Mặc dù đúng là Touré đã gia nhập Man City với tư cách là một tiền vệ trụ, nhưng sau những màn trình diễn trên các sân cỏ nước Anh, hoàn toàn có thể khẳng định rằng ngôi sao người Bờ Biển Ngà là một trong những cầu thủ toàn diện nhất, linh hoạt nhất từng xuất hiện ở nền bóng đá của Xứ Sở Sương Mù.

Có thể thi đấu ở mọi vị trí từ trung vệ cho đến số 10, có thể tự mình ghi bàn, kiến tạo, rê dắt, chuyền và tắc bóng với cùng một sự quyết tâm, nhiệt huyết y hệt nhau, có thể thống trị một trận đấu với gần như bất kỳ cách thức nào mà anh chọn. Touré có thể hoạt động lùi sâu và cầm trịch trận đấu, tạo nên những sóng gió ở trung lộ, và “giết chết” bạn với một pha đá phạt. Anh có thể “kết liễu” một trận đấu hoặc “vờn” nó theo ý muốn của mình, chi phối nó với nhãn quan thượng thừa hoặc một trong những pha tiếp bóng điệu nghệ nhất trên sân.

Hơn thế nữa, Touré yêu Man City bằng cả trái tim. Anh đã làm việc nhiều hơn bất cứ ai để nâng cao vị thế và tâm lý của câu lạc bộ, giúp họ trút bỏ sự mặc cảm tự ti, biến họ trở thành một nhà vô địch thực thụ. Tuy nhiên, nhận định Touré là một thiên tài hay một “ảo thuật gia” thì hình như là chưa có. Tại sao lại thế? Một phần, vấn đề là nằm ở cách mà chúng ta nhớ về các cầu thủ bóng đá: Những câu chuyện mà chúng ta kể về họ. Chúng ta thường cô đọng hàng ngàn điều mà họ đã làm vào vài dòng chữ ngắn gọn, dễ nhớ như thế nào? Một thầy phù thủy, một hình mẫu của sự chuyên nghiệp, một trụ cột – một biểu tượng của câu lạc bộ trong một thập kỷ. Hay: Một ca khúc đầy bắt tai, một chiếc bánh sinh nhật, một vài khoảnh khắc khó quên và một sự ra đi hết sức chóng vánh.

Phải chăng yếu tố chủng tộc đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách mà người ta đối xử với tiền vệ người Bờ Biển Ngà: Không chỉ ở sự lăng mạ, sỉ nhục một cách công khai mà anh phải nhận lấy khi chơi bóng trên đất Ukraina. Thêm vào đó là những chỉ trích sau đó về tình trạng sụt giảm thể lực, sự lười biếng (một cách đánh giá rất không công bằng), và sự tham lam (Theo ý kiến của bạn thì vào mùa hè năm 2010, mức lương hợp lý cho một sự lựa chọn hàng đầu của tuyến giữa Barcelona nên là bao nhiêu?)

Ngoài ra, có lẽ yếu tố “thời điểm” cũng đóng một vai trò rất lớn trong sự bất công mà Touré phải nhận. Khoảng thời gian xuất sắc nhất trong sự nghiệp của anh, mùa giải 2013/2014, lại trùng với chức vô địch ít được yêu thích nhất trong 4 lần đăng quang Premier League của đội chủ sân Etihad, khi họ được dẫn dắt bởi Manuel Pellegrini. Không chỉ vậy, anh còn được cho là đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi cái chết của người em trai Ibrahim vào năm 2014, để rồi chẳng còn là “Yaya Touré” nữa.

Không ai có thể phủ nhận sự ngoạn mục trong những năm tháng đỉnh cao của Toure, nhưng “chặng đường đi xuống” của anh – Olympiakos, giải hạng hai của Trung Quốc, và một cuộc chuyển nhượng đến Botafogo bị hủy bỏ – lại mang đến một cảm giác hết sức tầm thường, một sự tàn tạ, thảm hại đến tột cùng thay vì chỉ là một ánh sáng đang dần tắt đi.

Với sự ra đi của Silva, thêm một trong những thành viên cuối cùng còn sót lại của đội ngũ “Manchester City vĩ đại” đầu tiên (tập thể được dẫn dắt bởi Roberto Mancini) đã “rơi rụng” (Sergio Aguero vẫn đang tiếp tục gắn bó với đội chủ sân Etihad). Những thế hệ sau này có thể sẽ nhìn nhận một cách công bằng hơn về tập thể đó: Không chỉ đơn thuần là một trò chơi xếp hình gồm toàn những mảnh ghép đắt tiền đã thành công nhờ may mắn, mà là một nguyên mẫu cho những cỗ máy chiến thắng đầy tinh tế theo sau nó. Silva, cuối cùng, đã nhận được sự tôn vinh mà anh xứng đáng.

Và Toure, với những gì anh đã làm được, anh cũng xứng đáng được nhớ về như một trong những cầu thủ vĩ đại nhất ở Etihad.

>> Xem thêm: Keohay – Kèo nhà cái bóng đá trực tuyến hôm nay

Bài viết cùng chuyên mục